Điều 24 của Thông tư cũng nêu rõ, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm của Thông tư mới thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thông tư quy định rõ trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phải tổ chức, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định tại Thông tư này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe trong việc kết nối mạng truyền số liệu về Tổng cục ĐBVN; quản lý dữ liệu cấp Giấy phép lưu hành xe theo quy định. Tổ chức tập huấn thực hiện Thông tư; hướng dẫn sử dụng phần mềm cấp Giấy phép lưu hành xe cho các cơ quan cấp phép lưu hành xe. Kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động cấp phép của các cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe; xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân cấp Giấy phép lưu hành xe theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT có trách nhiệm tuân thủ thực hiện các quy định tại Thông tư này; công khai thủ tục, lệ phí và thời gian cấp Giấy phép lưu hành xe; thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định; kết nối, bảo quản mật khẩu và cập nhật số liệu từ mạng dữ liệu do Tổng cục ĐBVN cấp; chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp Giấy phép lưu hành xe của cơ quan chức năng...
Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT là Thông tư quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Thông tư này ra đời sẽ thay thế các Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, Thông tư 03/2011/TT-BGTVT, Thông tư 65/2013/TT-BGTVT và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/12/2015.